
Ông đã dành cả năm trời sáng tác hai tấm lụa hoa ban và long vân để mừng đại lễ
Con nhà tông
“Đây là hình ảnh đôi rồng chầu Khuê Văn các và xung quanh là những áng mây. Tôi muốn lấy hình ảnh Khuê Văn các đặt trong đài sen để nói về văn hiến Thăng Long. Còn đôi chữ thọ điểm xuyết với khẳng định rằng: Thăng Long - Hà Nội là vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam”, ông Chỉnh hào hứng giới thiệu tấm lụa long vân. Rồi câu chuyện của chúng tôi trôi theo những tiếng thoi đưa lách cách.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh vốn là cháu nội của cụ Nguyễn Chấp Chung. Tên tuổi của cụ Chung vẫn còn được ghi lại trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vì cụ là một trong ba người thợ dệt Việt Nam được vinh danh tại cuộc đấu xảo thuộc địa của Pháp ở Marseille, Pháp. Cha ông là nghệ nhân Nguyễn Văn Thiệp - người chuyên vẽ mẫu của làng nghề. Ngay từ nhỏ, ông Chỉnh đã phụ giúp cha các công việc vẽ mẫu như giữ thước cho cha kẻ ô, đặt hạt tạo hình và tính toán điểm nổi - chìm… Chính từ những ngày phụ giúp cha ông Chính đã học được nghề vẽ mẫu: “Ngày xưa các cụ vẽ mẫu vẩt vả lắm. Vẽ trên giấy ô ly bé tí, đặt thước mấy lần mới được. Rồi thì tính toán điểm nổi - chìm. Nhìn cụ làm ban đầu rất khó nhưng sau quen mắt dần, tôi tự nhẩm học”, ông Chỉnh nhớ lại.
Là nghệ nhân của làng lụa song có đến 20 năm ông Chỉnh xa nghề. Cũng vì ông được tỉnh Hà Tây (cũ) cử lên Sơn La xây dựng nhà máy dệt. Lẽ ra chỉ làm chuyên gia 3 năm nhưng tỉnh Sơn La giữ nên ông đã ở lại. Nhiệm vụ của ông Chỉnh lúc đó vẫn là vẽ mẫu nhưng là vẽ mẫu cho trang phục của các đồng bào dân tộc. Dẫu vậy ông Chỉnh vẫn khôn nguôi nhớ về khung cửi dệt quê nhà. 20 năm sống ở Sơn La ông Chỉnh được chứng kiến và cảm nhận hương sắc của núi rừng Tây Bắc, nhất là những mùa hoa ban nở. Vẽ bông hoa ban vào cuốn sổ tay, ông Chỉnh thầm ước nguyện đến ngày trở về quê hương...
Ngày nào cũng vậy, ông tỉ mẩn với từng họa tiết đến tận 12 giờ đêm mới chịu buông bút.
Vực dậy làng nghề
Năm 1989, người con của quê lụa năm nào trở về đã gần đến tuổi 60. Lúc ấy cả làng làm nghề theo công điểm của hợp tác xã. Tất cả đều ngồi chờ có đơn đặt hàng thì mới sản xuất. Nhiều nhà không chịu nổi đã bỏ nghề ra thành phố buôn bán. Phải đưa sản xuất về với hộ gia đình. Ông Chỉnh đã suy nghĩ và quyết tâm như thế.
Chiếc máy dệt ông Chỉnh lần mò mua ở làng Đại Mỗ phải giấu diếm đến tận tối mới dám đưa về làng. Xúc lụa đầu tiên thành phẩm, ông đèo sau xe, đạp ra Hà Nội, ngõ ngách nào cũng tới. Nhưng người Hà Nội nhìn thấy ông bán lụa mà dửng dưng. Cũng vì lúc ấy đời sống của người dân còn vất vả nên lụa là đồ xa xỉ phẩm. Cả tuần bán vài trăm mét lụa cũng không xong nhưng ông Chỉnh vẫn tự nhủ: nhất định sẽ có lối thoát. Một lần đang rong ruổi trên phố, ông gặp lại một người quen kinh doanh hàng gỗ. Anh bảo đang bán hàng ở Triển lãm Giảng Võ và có nhã ý cho ông đặt nhờ xúc lụa ở gian hàng để đỡ phải đi. Cơ duyên thế nào ông gặp đoàn du lịch Ấn Độ. Đoàn đã nhận mua tất cả số lụa ông có. “Lần đầu tiên tôi được cầm những đồng đô la. Mừng lắm. Tôi tìm ra cách sản xuất của riêng mình như thế!”, ông nhớ lại.
Làng lụa Vạn Phúc theo nhau đưa sản xuất về hộ gia đình. Ban đầu bán buôn cho những cửa hang trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Sau, cũng lại từ ông Chỉnh - lúc đó đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng tự bán hàng đến tận tay người tiêu dùng. “Bán buôn cho những cơ sở lớn ở Hàng Ngang, Hàng Đào với giá thấp mà người ta bán lại cho khách du lịch giá cao gấp năm gấp mười - ông Chỉnh tâm sự - Cách làm ấy thì chỉ người nước ngoài mới được mặc lụa. Còn dân ta thì sao? Tôi quyết định tự tìm kiếm thị trường bằng cách tiếp cận các hội chợ triển lãm. Festival Huế 2002, chúng tôi lỗ vốn nhưng là lần đầu lụa Hà Đông được quảng bá đến người dân miền Trung. Sau đó là những Expo Hanoi hay Hội chợ hàng Việt Nam. Cần mẫn như thế, cuối cùng lụa Vạn Phúc lấy lại được danh tiếng của mình và phát triển cho đến hôm nay”.
Khi lụa Vạn Phúc ngày càng nổi danh thì cũng là lúc nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh bắt tay vào công việc mà ông đã trót “say” từ thuở nhỏ - vẽ mẫu. Tìm lại cuốn sổ tay thời công tác ở Sơn La, ông mang hình vẽ bông hoa ban vào trong lụa. Ngày nào cũng vậy, ông tỉ mẩn với từng họa tiết đến tận 12 giờ đêm mới chịu buông bút. Cả năm trời trôi qua ông mới hoàn thành mẫu vẽ để dệt lên lụa nhà. Chẳng phụ công, năm 2007, mẫu vẽ hoa ban đã giành giải nhì Hội thi sản phẩm thủ công của Hội làng nghề Việt Nam. Năm sau đó, ông Chỉnh lại hoàn thành mẫu vẽ hoa loa kèn và tiếp tục giành giải ba của hội thi. Ngoài những giải thưởng ấy, năm 1999 ông còn được Chương trình nghệ thuật Đông Dương, Hội Mỹ thuật Vịêt Nam và Liên minh HTX Việt Nam trao Giải thưởng Bàn tay vàng và mới tháng 5-2010, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh được nhận Cúp vàng doanh nhân tiêu biểu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đầu tháng 7-2010, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh mang hai tấm lụa long vân, hoa ban dự hội thi lễ vật mừng đại lễ. Cả hai tấm lụa đều đoạt giải. Đặc biệt tấm lụa hoa ban giành giải nhất và được chọn là một trong những vật phẩm làm quà tặng của đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tổng hợp bởi: | luavanphuc.com |
luatotam.com |